3 thg 2, 2012

Dao dien Dang Nhat Minh Quoc bao cua dien anh Viet

buyvip | redtube | netcut 3.0 |

KTĐT - Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y và dạy học. Trong cuốn Hồi ký điện ảnh, ông viết "Tôi không có niềm say mê nào từ thuở bé đối với lĩnh vực nghệ thuật này…".

Khi được mời giảng dạy cho Dự án Điện ảnh - Đại học Khoa học xã hội & nhân văn do Quỹ Ford tài trợ, phần nhiều các thầy cô tham gia dạy đều nuôi một hy vọng "sau khóa học, tất cả các học viên đều có thể thành những người làm phim". Nhưng, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã bày tỏ quan điểm rằng: "Với tôi, khi các em tốt nghiệp dự án, các em biết cách xem một bộ phim để biết thế nào là hay, thế nào là sáng tạo… thì tôi nghĩ mình đã truyền nghề thành công". Và với chúng tôi, những người may mắn được chính đạo diễn Đặng Nhật Minh giảng dạy (dù chỉ trong thời gian ngắn) thì những giờ lên lớp của ông mãi mãi là những kỷ niệm khó phai. Và xin được lấy tư cách là một người học trò để chia sẻ đôi điều về thầy tôi- một đạo diễn tài năng, một niềm tự hào của điện ảnh Việt !

Duyên với điện ảnh

Đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y và dạy học. Trong cuốn Hồi ký điện ảnh, ông viết "Tôi không có niềm say mê nào từ thuở bé đối với lĩnh vực nghệ thuật này…". Tuy nhiên, sau 5 năm làm biên dịch thuyết minh phim, Đặng Nhật Minh bắt đầu để ý đến bộ môn nghệ thuật thứ 7. Năm 1965, trường điện ảnh có hai khóa tốt nghiệp là biên kịch và quay phim. Một nhóm mời Đặng Nhật Minh làm đạo diễn. Với việc vận dụng các kiến thức đã có, bộ phim "Theo chân người địa chất" ra đời được cán bộ trong ngành khen ngợi. "Theo chân người địa chất" là bộ phim đầu tiên của đạo diễn Đặng Nhật Minh và cũng là tác phẩm duy nhất ông dâng tặng cha bởi sau đó không lâu Giáo sư Đặng Văn Ngữ qua đời.

Bước theo đam mê

Đặng Nhật Minh đã bước vào một thế giới nghệ thuật đầy hứa hẹn. Và chính sự đam mê đã dẫn dắt ông vào lĩnh vực làm phim. Sau khi cha mất, là con liệt sỹ, Đặng Nhật Minh được cử sang Liên Xô học, nhưng ông đã ở lại quê hương. Năm 1975, ông có chuyến đi với quân giải phóng tiến về Sài Gòn. Năm 1976, Đặng Nhật Minh làm bộ phim tài liệu ngắn với tên gọi "Tháng 5 những gương mặt" - bộ phim dành giải Bông sen Bạc tại LHPVN lần 4.

Năm 1980, sau khi "Thị xã trong tầm tay" đoạt giải ba cuộc thi viết truyện ngắn do báo Văn nghệ tổ chức, Đặng Nhật Minh quyết định tự viết kịch bản dựa theo truyện ngắn của mình. Năm 1983, bộ phim ấy ra mắt đã giành ngay giải Bông sen Vàng LHPVN lần thứ 6, và giải Kịch bản xuất sắc nhất.

Từ những thành công ấy, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã xác định cho mình một hướng đi, chỉ làm những phim do tự tay ông viết kịch bản, nói về những vấn đề mà ông quan tâm cũng như chính ông rung động. Sau "Thị xã trong tầm tay", Đặng Nhật Minh bắt tay viết "Bao giờ cho đến tháng Mười". Ông chia sẻ "Tôi bắt đầu viết kịch bản ấy xuất phát từ nỗi đau của gia đình tôi, nỗi đau của hàng vạn, hàng triệu người có người thân ngã xuống trong chiến tranh". Tư liệu đã có, chỉ cần tìm cách thể hiện. Một lần, ông nhìn thấy đám tang, phía sau chiếc kiệu bốn người khiêng, một người phụ nữ trẻ đội khăn trắng dắt theo đứa con trai chừng 7 tuổi. Ông tìm hiểu được biết, chồng chị ấy đi B, hy sinh đã lâu nhưng lúc bấy giờ mới báo tin cho gia đình, và đám tang ấy thực ra chỉ là buổi lễ rước hương hồn người chiến sỹ về nơi yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà, còn anh đã mãi nằm lại nơi chiến trường. Người phụ nữ ấy là nguyên mẫu hình ảnh của chị Duyên (NSND Lê Vân thủ vai) trong bộ phim "Bao giờ cho đến tháng Mười". Mặc dù phải duyệt đi duyệt lại mới được đem ra công chiếu, nhưng khi ra mắt năm 1984, bộ phim đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khán giả trong và ngoài nước. Đạo diễn Đặng Nhật Minh được Đại sứ quán Pháp cấp học bổng sang nước bạn tu nghiệp một năm. Cũng trong năm này, nữ bác sỹ Ladinki- một người Mỹ hoạt động trong Hội Khoa học Mỹ - Việt xin phép Bộ Văn hóa Việt Nam đưa "Bao giờ cho đến tháng Mười" đi dự LHP quốc tế Hawaii và được tặng Bằng khen đặc biệt của BGK. Có thể nói, "Bao giờ cho đến tháng Mười" đã có một cuộc hành trình rất dài qua màn ảnh ở nhiều quốc gia trên thế giới, thu được nhiều tình cảm của bạn bè quốc tế đối với con người Việt Nam. Năm 2008, bộ phim vinh dự được kênh truyền hình CNN của Mỹ bầu chọn là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại.

Sau thành công vang dội của "Bao giờ cho đến tháng Mười" ấy là "Cô gái trên sông", là "Trở về", "Thương nhớ đồng quê", "Hà Nội mùa Đông năm 1946", "Mùa ổi"… phim nào cũng đoạt những giải thưởng danh giá của điện ảnh Việt và không ít lời khen và giải thưởng quốc tế. Mới nhất là bộ phim "Đừng đốt" chuyển thể từ cuốn nhật ký nổi tiếng của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã giành ba giải thưởng quan trọng nhất tại LHP VN lần thứ 16: Bông sen Vàng cho phim hay nhất, Giải biên kịch xuất sắc nhất và Giải của báo chí giành cho bộ phim hay nhất. Còn tại Lễ trao giải Cánh diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam, bộ phim được trao giải Cánh diều Vàng, giải Đạo diễn xuất sắc và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Điều đặc biệt, khi công chiếu ở Mỹ bộ phim đã không chỉ nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các nhà chuyên môn mà khiến rất nhiều khán giả đã khóc… Sau buổi công chiếu, ông MC.Cuauliff - Chủ tịch Tổ chức hòa giải Đông Dương (người có công vận động chính phủ Mỹ bỏ cấm vận với Việt Nam) đã nghẹn ngào trong nước mắt: "Đây là phim cực kỳ xúc động. Một bộ phim chiến tranh không có hận thù, chỉ có tình thương. Tất cả người Mỹ nên xem phim này".

Đạo diễn Đặng Nhật Minh - một người không có bằng cấp về chuyên môn điện ảnh với 30 năm làm nghề đã để lại ấn tượng mạnh mẽ mỗi khi cho ra đời một bộ phim. Có thể nói, nhờ ông, khán giả khắp nơi biết nhiều hơn về điện ảnh Việt Nam. Xin được mượn lời của vị đạo diễn này để kết thúc bài viết: "Một nền điện ảnh trưởng thành là một nền điện ảnh biết lo toan cho thế hệ kế tiếp. Hy vọng, trên chặng đường sắp tới sẽ có những lớp người mới đủ tài năng, nghị lực để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa diện mạo, bản sắc của nền điện ảnh Việt Nam".

Tiểu Thúy

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Related posts